Nếu thực hiện đúng, khoa học thì phương pháp ăn dặm truyền thống vẫn là sự lựa chọn tuyệt vời cho mẹ để giúp bé cưng mau ăn chóng lớn trong những năm đầu đời.
Ngày nay, với sự phổ biến của các phương pháp ăn dặm mới như phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, phương pháp ăn dặm tự chỉ huy (BLW) thì phương pháp ăn dặm truyền thống đang dần bị lãng quên. Không những vậy, nhiều người còn quan niệm phương pháp ăn dặm truyền thống là lỗi thời và thiếu khoa học. Thế nhưng, phương pháp ăn dặm truyền thống là gì và liệu nó có đúng như nhiều người vẫn nghĩ?
Ăn dặm theo phương pháp truyền thống là như thế nào?
Ăn dặm truyền thống là phương pháp tập ăn lâu đời được nhiều thế hệ người Việt áp dụng để tập ăn cho trẻ ăn khi bé bước vào giai đoạn làm quen với các thực phẩm khác không phải là sữa mẹ. Ở phương pháp ăn dặm này, mẹ sẽ cho bé ăn bột kết hợp với thịt, cá và rau củ xay nhuyễn, sau đó chuyển dần sang cháo nguyên hạt và cuối cùng là cơm.
Hiện phương pháp này không còn phổ biến bởi rất nhiều các mẹ bỉm sữa hiện đại cho rằng phương pháp này kém khoa học, mẹ phải ép bé ăn, bé ăn nhiều thức ăn xay nhuyễn nên khả năng nhai kém… và rất nhiều lý do khác. Thực tế, những quan niệm này không đúng hoàn toàn bởi không có tài liệu nào nói rằng mẹ phải cho bé ăn rong, nhồi nhét bé ăn…, tất cả chỉ là do tâm lý muốn con ăn nhiều hơn của các bậc cha mẹ mà thôi.
Không những vậy, theo chia sẻ của nhiều mẹ đã áp dụng, phương pháp ăn dặm truyền thống không chỉ giúp bé tăng cân nhanh do các bữa ăn đảm bảo đầy đủ 4 nhóm chất dinh dinh dưỡng mà còn rất dễ thực hiện, không mất nhiều thời gian chuẩn bị. Ngoài ra, việc ăn dặm truyền thống theo các giai đoạn còn rèn cho bé thói quen ăn uống tốt và giúp dạ dày không phải làm việc quá sức.
Nguyên tắc cơ bản của phương pháp ăn dặm truyền thống
• Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ba mẹ chỉ nên bắt đầu tập ăn dặm khi bé được 180 ngày (khoảng 6 tháng). Ở phương pháp ăn dặm truyền thống, bạn chỉ nên bắt đầu từ giai đoạn này, tránh cho trẻ ăn quá sớm để không làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ.
• Xây dựng thực đơn ăn khoa học với đầy đủ 4 nhóm chất: chất đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất. Cho bé ăn từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc, từ ngọt đến mặn.
• Nguyên tắc quan trọng nhất cần nhớ của phương pháp ăn dặm truyền thống là cho bé ăn một lượng vừa đủ, không ép ăn, không phụ thuộc ti vi hay điện thoại, không cho bé ăn rong mà đặt con ngồi vào ghế ăn dặm để tạo thói quen ăn uống lành mạnh.
• Thay đổi thực đơn đa dạng, thường xuyên đổi món để bé có cơ hội tiếp xúc với nhiều loại thực phẩm hơn.
• Chú ý thay đổi độ thô của thức ăn theo từng giai đoạn để tránh bé bị phụ thuộc vào thức ăn xay nhuyễn.
Để thực hiện có hiệu quả, bạn nên chia giai đoạn ăn dặm của trẻ thành nhiều phần nhỏ và mỗi giai đoạn sẽ áp dụng những “tuyệt chiêu” riêng:
Giai đoạn 1: Ăn bột kết hợp với thịt, cá, rau củ xay nhuyễn
Thời gian: 5,5 – 6 tháng
• Cho bé ăn bột hoặc nấu cháo theo tỷ lệ 1:10 kết hợp với nước luộc gà, nước hầm xương, nước hầm thịt với rau củ… và các thực phẩm được ninh kỹ, lọc qua rây để thu được hỗn hợp loãng, mềm mịn.
• Sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính, do đó, mẹ không nên ép con quá nhiều mà chỉ nên cho bé một lượng vừa nhỏ với mục đích là cho con tập làm quen với thực phẩm ngoài sữa mẹ.
• Tránh cho bé ăn những thực phẩm dễ gây dị ứng như thịt bò, cua biển, ốc, tôm… trong giai đoạn đầu khi thực hiện phương pháp ăn dặm truyền thống.
Giai đoạn 2: Tăng độ đậm đặc của món ăn
Thời gian: 7 – 9 tháng
• Thời gian đầu, mẹ có thể cho bé ăn 2 bữa bột và 1 bữa cháo.
• Mẹ nấu cháo như bình thường, khi cháo chín thì dùng đũa hoặc thìa khuấy để hạt gạo vỡ ra. Khi chế biến, mẹ cũng không nhất thiết phải xay nhuyễn mà có thể băm nhỏ rồi lược qua rây để thay đổi dần độ thô của thực phẩm.
• Trong thực đơn mỗi ngày, bạn có thể cho bé ăn các loại rau củ như cà rốt, su hào, khoai lang, khoai tây… và các thực phẩm như cá đồng, cua đồng, lươn… để các món ăn đa dạng hương vị.
• Đây là giai đoạn bé mọc răng, do đó rất dễ gặp phải các vấn đề như đau nướu, sốt, rối loạn tiêu hóa… Mẹ nên tránh ép ăn nhiều mà nên chia nhỏ bữa để con không bị đói cũng như sợ ăn.
Giai đoạn 3: Ăn cháo nguyên hạt
Thời gian: 10 – 12 tháng
• Cho bé ăn cháo nguyên hạt và dần làm quen với các món ăn thô, mềm như chuối, đu đủ… Bạn có thể nấu cháo đặc hơn và kết hợp với các nguyên liệu xay hoặc bằm nhuyễn như tôm, thịt…
• Tập cho bé làm quen với muỗng, nĩa và bạn cũng có thể để bé tự xúc ăn khi áp dụng phương pháp ăn dặm truyền thống.
• Cho bé ngồi ăn chung với cả nhà, mẹ cũng có thể cho bé ăn những gì cả nhà ăn nhưng với lượng nhỏ, mềm, đảm bảo an toàn, tránh bị hóc.
Giai đoạn: Tập cho bé ăn cơm
Thời gian: 1 tuổi trở lên
• Bé có thể ăn hầu hết các thực phẩm như người lớn. Bạn có thể tập cho bé ăn cơm nát, đồ ăn băm nhỏ.
• Rèn cho bé kỹ năng dùng muỗng, nĩa và để bé tự xúc, nhai, nuốt với nhiều nhóm thực phẩm khác nhau.
• Cố gắng xây dựng thực đơn đa dạng (cơm nát, nui, bún, phở…) với nhiều cách chế biến để làm đa dạng thực đơn, tránh bé bị ngán.
Nhìn chung, dù có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh cách ăn dặm truyền thống nhưng hiệu quả mà phương pháp này đem lại là không thể phủ nhận. Để khắc phục nhược điểm của phương pháp ăn dặm này, mẹ nên cho bé ăn có chừng mực, việc xay nhuyễn cũng nên chia theo cấp độ để cải thiện khả năng ăn thô của bé. Ngoài ra, thực đơn ăn dặm cũng cần đa dạng, tránh cho bé ăn nhiều thực phẩm giàu đạm, thay vào đó, hãy cho bé các loại rau củ giàu vitamin, khoáng chất, dễ ăn như cà rốt, bí đỏ,, đậu Hà Lan…
Trong giai đoạn ăn dặm, mẹ cũng có thể kết hợp ăn dặm truyền thống với các phương pháp ăn dặm khác như ăn dặm kiểu Nhật, ăn dặm tự chỉ huy để thay đổi độ thô của thức ăn, giúp bé tập ăn tốt hơn hoặc thỉnh thoảng mẹ cũng có thể để bé tự bốc thức ăn để tạo tính chủ động và sự tự lập cho bé.
Tham gia minigame để trúng ngay 1 hộp sữa công thức Nutrilon Nga trị giá 450.000đ tại đây: https://www.facebook.com/babytalkvietnam/posts/105620841752293
#BabyTalk #Trẻsơsinh #Sứckhoẻ
Nguồn tham khảo: hellobacsi.com
—
BABY TALK
VPGD: Biệt thự NB1 – Hapulico Complex, 06 Lê Văn Thiêm, Quận Thanh Xuân, Hà Nội
Website: www.babytalk.vn
Hotline: 090 741 2222