VÁNG SỮA CÓ THỰC SỰ BỔ DƯỠNG NHƯ LỜI ĐỒN?

14

Mỗi tháng, bạn tốn một khoản không nhỏ để mua váng sữa cho bé ăn vì nghe nói loại thực phẩm này rất bổ dưỡng. Cách làm váng sữa tại nhà không hề khó. Cùng Baby Talk tự làm váng sữa cho bé với ba công thức cơ bản.

Bạn có biết khi nào cho trẻ ăn váng sữa và những trẻ nào không nên ăn loại thực phẩm này? Thực chất loại thực phẩm này có bổ dưỡng như những thông tin bạn thường nghe? Cùng tìm hiểu những thông tin liên quan trong bài viết sau.

🌸 Váng sữa là gì?

Váng sữa (kem sữa) là lớp chất béo nổi lên kết thành một mảng lớn trên bề mặt của sữa khi đun nóng hoặc để yên trong một thời gian và không đậy nắp, phần sữa còn lại được gọi là sữa tách béo. Váng sữa sau khi được tách khỏi sữa sẽ được đun nóng để tiệt trùng, sau đó làm lạnh để bảo quản được lâu. Đây là nguyên liệu để sản xuất các chế phẩm khác từ sữa như: bơ, phô mai, sữa chua (yaout), kem tươi…

Những sản phẩm váng sữa hiện nay trong quá trình chế biến đã được bổ sung thêm các nguyên liệu khác như: sữa, sữa nguyên kem, trứng, trái cây, bột ca cao, đường, chất làm đông, chất ổn đinh, các loại hương liệu… Thế nên có thể thấy phần váng sữa có trong sản phẩm chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Nếu để ý bạn sẽ thấy, các nhà sản xuất nước ngoài ghi tên sản phẩm này trên nhãn mắc là “món tráng miệng làm từ sữa” (Milk dessert hoặc Cream dessert). Song thực tế là các nhà phân phối và kinh doanh mặt hàng này ở nước ta vẫn ghi trên nhãn phụ tên gọi “váng sữa” để dễ dàng quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Ngày nay, người ta còn dùng các loại dầu thực vật (dầu cọ, dầu dừa) có bổ sung thêm đạm sữa bò và đường lactose (một loại dường có trong sữa bò) để sản xuất loại thực phẩm này.

🌸 Có bao nhiêu loại váng sữa?

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại váng sữa được bày bán, phổ biến nhất là các loại được nhập khẩu từ châu Âu. Các sản phẩm hiện được bày bán đã được chế biến và thêm vào các nguyên liệu khác nên hàm lượng chất béo đã giảm đi đáng kể. Có thể phân loại váng sữa dựa vào hàm lượng chất béo chứa trong sản phẩm như sau:
– Hàm lượng chất béo từ 35 – 50%: Váng sữa nguyên chất, thường dùng chế biến các món salad, nấu súp mà ít khi dùng ăn trực tiếp.
– Hàm lượng chất béo từ 10 – 30%: Váng sữa thông thường, thường được dùng làm nguyên liệu sản xuất bơ, phô mai.
– Hàm lượng chất béo từ 6 – 15% tùy loại: Váng sữa nguyên kem, loại phổ biến trên thị trường, dùng làm món tráng miệng, bữa ăn xế cho trẻ.

🌸 Thành phần dưỡng chất của váng sữa

Là một chế phẩm từ sữa nên thành phần của váng sữa cũng gồm: chất đạm, chất béo, đường, các vitamin và khoáng chất. Song thực tế tỷ lệ hàm lượng các chất này trong váng sữa rất thấp so với sữa, ngoại trừ hàm lượng chất béo. Bạn có biết lượng chất béo chứa trong một hộp váng sữa cung cấp khoảng từ 50 – 70% tổng năng lượng mà trẻ cần, bằng tổng lượng chất béo trong hai ly sữa thông thường của trẻ. Do đó, đây là nguồn cung cấp năng lượng rất cao nhưng nghèo dưỡng chất. Chính vì thế, bạn không nên cho bé ăn loại thực phẩm này nhằm mục đích thay thế sữa hay thức ăn dặm.

🌸 Bạn đã cho trẻ ăn váng sữa đúng cách?

Bạn có từng băn khoăn trẻ mấy tháng thì ăn được váng sữa và nên ăn vào lúc nào? Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ chỉ nên ăn loại thực phẩm này sau 6 tháng tuổi, bởi:
– Đây là loại thực phẩm nghèo dưỡng chất nhưng lại có hàm lượng chất béo cao, cung cấp nhiều năng lượng tốt cho trẻ trên một tuổi bị thiếu cân, suy dinh dưỡng hay trẻ mới ốm dậy cần nhiều năng lượng để nhanh phục hồi sức khỏe.
– Bạn không nên cho trẻ ăn nhiều váng sữa vì có thể khiến bé đầy bụng, tiêu chảy, thậm chí là thừa cân, béo phì do lượng chất béo quá cao. Cụ thể, lượng váng sữa phù hợp với trẻ nhỏ như sau:
Trẻ từ 6 – 12 tháng: Khoảng từ 1/2 – 1 hộp/ngày.
Trẻ từ 12 tháng trở lên: 1 – 2 hộp/ngày.
– Cho trẻ ăn vào các bữa phụ sau bữa ăn sáng hoặc ăn trưa, tránh cho ăn vào buổi tối vì dễ khiến trẻ có cảm giác đầy bụng sinh ra trằn trọc khó ngủ.

Ngoài ra, bạn cần lưu ý không nên cho trẻ ăn váng sữa nếu: Bé bị thừa cân, béo phì, đang bị tiêu chảy hay bị dị ứng với sữa bò… Đồng thời không cho trẻ ăn trước bữa ăn vì có thể khiến bé ăn ít hoặc bỏ ăn bữa chính.

🌸 Bảo quản váng sữa thế nào cho đúng?

Váng sữa rất dễ bị hỏng nên cần được bảo quản trong tủ lạnh. Lưu ý là bạn không nên để váng sữa ở cánh tủ, vì nơi đây không đủ lạnh và nhiệt độ không ổn định do việc đóng mở tủ lạnh thường xuyên. Khi mua, bạn nên chú ý đến ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, không mua sản phẩm có dấu hiệu khác lạ như: hộp bị móp méo, nhãn thủng hay phồng lên.

🌸 Mách bạn cách tự làm váng sữa từ sữa công thức cho bé

Cách làm váng sữa tại nhà không khó, hãy cùng vào bếp với Baby Talk để có những hũ váng sữa ngon, sạch, hợp khẩu vị bé cưng. Ngoài ra, nếu bé đã lớn, bạn hãy rủ con vào bếp cùng làm món ăn yêu thích.

Nguyên liệu
– Sữa công thức: 8 muỗng gạt ngang
– Sữa tươi: 150ml
– Kem tươi: 50ml
– Bột ngô: 10g
– Nước ấm pha sữa: 120ml
– Hũ thủy tinh dung tích 100ml: 6 – 8 hũ.
Cách làm
– Trụng hũ trong nước sôi, vớt ra, hong cho khô.
– Bạn trộn bột ngô với sữa công thức rồi pha với khoảng 120ml nước ấm (như cách bạn hay pha sữa cho bé, khác ở chỗ là lượng nước ít hơn).
– Đổ sữa tươi, hỗn hợp sữa công thức bột ngô, kem tươi vào nồi, đặt lên bếp, đun lửa vừa, khuấy đều tay. Khi hỗn hợp có dạng hơi sệt, tắt bếp.
– Rót hỗn hợp vào hũ, chờ nguội thì để vào ngăn mát tủ lạnh, khoảng 4 tiếng sau váng sữa đông thì cho bé ăn được.

#BabyTalk #Trẻsơsinh #Sứckhoẻ
Nguồn tham khảo: hellobacsi.com

BABY TALK
VPGD: Biệt thự NB1 – Hapulico Complex, 06 Lê Văn Thiêm, Quận Thanh Xuân, Hà Nội
Website: http://babytalk.vn/
Hotline: 090 741 2222

14

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *