CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CHO BÉ: BÍ QUYẾT ĐỂ CON TĂNG CÂN VÙN VỤT

16

Chế độ dinh dưỡng cho bé từ 0 đến 1 tuổi là điều khiến nhiều cha mẹ bối rối bởi bé vẫn còn quá nhỏ, hệ tiêu hóa còn non nớt nên rất dễ bị tổn thương nếu ăn uống không khoa học.

Giai đoạn sơ sinh là thời gian quan trọng nhất để phát triển. Dinh dưỡng cho bé trong giai đoạn này thậm chí còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến trọng lượng, sức khỏe, quá trình trao đổi chất, hệ miễn dịch và quá trình lão hóa của trẻ trong tương lai. Do đó, dinh dưỡng cho bé từ 0 đến 1 tuổi cần chú ý gì? Mẹ nên cho bé ăn gì và ăn bao nhiêu? Nếu bạn đang bối rối với những vấn đề này, dành ngay vài phút xem qua những chia sẻ dưới đây để có lời giải đáp nhé.

🌸 Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho bé dưới 6 tháng

Sữa mẹ là thức ăn quan trọng nhất cho bé dưới 6 tháng tuổi với các thành phần đặc biệt quan trọng như kháng thể, các chất kháng khuẩn, kháng viêm, enzym cùng các axit béo (giúp thúc đẩy sự phát triển của não bộ). Việc nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu không chỉ giúp bé phát triển và tăng trưởng tốt nhất mà còn bảo vệ bé khỏi các bệnh như nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm trùng đường hô hấp.
– Trẻ từ 0-3 tháng: Cần bú khoảng 500 – 900ml/ngày
– Trẻ từ 4-6 tháng: Cần bú khoảng 800 – 1.150ml/ngày

Việc cho bé bú có thể không đơn giản. Nếu mẹ ít sữa, mẹ không có sữa hoặc có các vấn đề về sức khỏe không thể cho bé bú, mẹ có thể kích thích sữa bằng cách massage ngực, vắt sữa bằng tay hoặc bằng máy hoặc cho bé dùng sữa công thức.

Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo mẹ nên bổ sung vitamin D 400IU hàng ngày cho
trẻ sơ sinh bú mẹ cho đến khi bé được 1 tuổi. Với bé dùng sữa công thức, nếu bé có thể bú hết 800ml mỗi ngày thì bạn có thể ngừng bổ sung vitamin D.

Sữa mẹ không có nhiều sắt nhưng lượng sắt mà cơ thể bé dự trữ khi còn trong bụng mẹ sẽ tồn tại cho đến khi con được khoảng sáu tháng tuổi. Do đó, mẹ không cần bổ sung sắt trong chế độ dinh dưỡng cho bé.

Có nên cho trẻ sơ sinh uống nước là thắc mắc phổ biến. Thông thường, mẹ sẽ không cần cho bé uống nước bởi lượng nước có trong sữa mẹ hoặc sữa công thức đã đáp ứng đủ nhu cầu mà bé cần. Tuy nhiên, trong trường hợp bé bị mất nước nhanh như tiêu chảy, sốt, nôn…, bạn nên hỏi bác sĩ về cách bù nước cho bé.

🌸 Chế độ dinh dưỡng cho bé từ 6 đến 12 tháng tuổi

👉 Chế độ dinh dưỡng cho bé ăn dặm
6 đến 12 tháng là giai đoạn bé tập ăn dặm. Bạn có thể bắt đầu tập cho con ăn dặm khi bé có thể ngẩng đầu, ngồi trên ghế, há miệng khi bạn đút và có thể nuốt. Ở giai đoạn này, sữa mẹ vẫn là nguồn thực phẩm chính, do đó, bạn không nên ngưng cho bú để đảm bảo dinh dưỡng cho bé.
– Trẻ từ 7-9 tháng: Cần bú khoảng 700 – 1000ml/ngày
– Trẻ từ 10-12 tháng: Cần bú khoảng 500 – 900ml/ngày

👉 Trong chế độ dinh dưỡng cho bé, bạn cần chú ý cung cấp đủ:
– Chất béo: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần rất nhiều chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa, không bão hòa đơn và chất béo omega-3. Đặc biệt, chất béo Omega-3 (DHA / EPA) rất quan trọng đối với sự phát triển của mắt, não và hệ thần kinh của bé.
– Sắt: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần sắt để phát triển nhận thức, thần kinh, kỹ năng vận động. Bạn cần bổ sung sắt vào chế độ dinh dưỡng cho bé khi bé được khoảng 6 tháng.
– Kẽm và vitamin B12: Trẻ sơ sinh trên 6 tháng tuổi ăn thuần chay có thể cần bổ sung kẽm và vitamin B12 .

👉 Một số loại thực phẩm ăn dặm được các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá là mang lại nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho trẻ:
– Gạo: Bột gạo với sữa mẹ hoặc sữa công thức là món cháo ăn dặm phổ biến nhất với nguy cơ gây dị ứng thấp.
– Rau củ quả: Giàu dinh dưỡng và ít ngọt. Bạn có thể nấu cháo bí đỏ ăn dặm cho bé, cháo khoai lang ăn dặm, cháo cà rốt, cháo mồng tơi…
– Trái cây: Bạn nên cho bé ăn trái cây sau khi đã cho bé làm quen với rau củ. Ngoài ra, do bé chưa có khả năng tiêu hóa đường fructose hiệu quả nên bạn chỉ cho bé ăn vừa phải, tránh các loại trái cây giàu chất xơ.
– Thực phẩm giàu protein như đậu, đậu lăng, đậu xanh nghiền nhuyễn nấu với thịt bằm.

👉 Bạn có thể thêm 4 loại thực phẩm trên vào chế độ dinh dưỡng cho bé theo khẩu phần sau:
– Ngũ cốc: ¼ – ½ cốc ngũ cốc hỗn hợp.
– Trái cây: ¼ – ½ cốc xay nhuyễn.
– Nước ép: ¼ – ½ cốc
– Các loại thịt, đậu, bơ đậu phộng: 1 đến 2 muỗng canh xay nhuyễn.
– Sữa chua nguyên chất: 1 đến 2 muỗng canh (chỉ nên cho bé ăn khi đạt 6 tháng tuổi).

👉 Những điều cần lưu ý khi tập cho bé ăn dặm
Để tập cho bé ăn dặm, mẹ có thể áp dụng phương pháp ăn dặm truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật hoặc ăn dặm tự chỉ huy. Tuy nhiên, dù áp dụng cách nào, mẹ cũng cần lưu ý:
– Cho bé ăn từ lỏng đến đặc, từ bột ngọt cho đến bột mặn, từ ít đến nhiều
– Giai đoạn đầu mẹ không nêm bất cứ gia vị nào khi chế biến cháo ăn dặm để bé làm quen với hương vị và không làm ảnh hưởng đến thận
– Mỗi khi cho bé ăn 1 thực phẩm mới, bạn nên đợi từ 3-4 ngày để quan sát các triệu chứng dị ứng. Nên tập cho bé ăn món mới khi bé đói, thường là vào buổi sáng
– Nếu bé có dấu hiệu dị ứng khi ăn một loại thực phẩm nào đó (các vấn đề về hô hấp, dị ứng da), hãy đợi 1-3 tháng rồi thử lại
– Không cho bé dùng những thực phẩm chứa nhiều đường như các món ăn vặt hoặc nước trái cây
– Tránh cho bé dưới 1 tuổi dùng mật ong vì có thể khiến bé ngộ độc
– Đừng ép nếu bé không chịu ăn. Bạn sẽ hay thấy tình trạng này khi cho bé ăn ăn rau. Bạn có thể cho bé ăn vào hôm khác.

Theo dõi thói quen ăn uống của bé. Đồng thời, cố gắng xây dựng chế độ dinh dưỡng cho bé khoa học, đa dạng với nhiều loại thực phẩm tốt cho sức khỏe.

#BabyTalk #Trẻsơsinh #Sứckhoẻ
Nguồn tham khảo: hellobacsi.com

BABY TALK
VPGD: Biệt thự NB1 – Hapulico Complex, 06 Lê Văn Thiêm, Quận Thanh Xuân, Hà Nội
Website: http://babytalk.vn/
Hotline: 090 741 2222

16

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *