Bé bú không đủ sữa mẹ có thể dẫn đến sút cân, suy dinh dưỡng, tăng trưởng chậm. Vậy đâu là những dấu hiệu bé bú không đủ sữa mà mẹ cần nhận biết để đảm bảo dinh dưỡng cho con?
Rất nhiều bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ cảm thấy băn khoăn không biết liệu bé có đang bú đủ sữa hay không. Bạn có thể thấy bé bú rất nhiều nhưng lại không biết chính xác lượng sữa bé bú được là bao nhiêu. Làm thế nào để kịp thời nhận biết bé bú không đủ sữa? Baby Talk mách bạn 7 dấu hiệu bé bú không đủ sữa dễ nhận biết nhất trong những tuần đầu để phát hiện sớm và điều chỉnh kịp thời.
7 dấu hiệu bé bú không đủ sữa dễ nhận biết
Tình trạng bé bú không đủ sữa rất dễ gặp phải ở những tuần đầu sau sinh và có thể do nhiều nguyên nhân như lượng sữa mẹ tiết ra còn ít và chưa ổn định, bé ngậm bắt núm vú chưa tốt, tư thế cho bú chưa đúng. Nếu bé bú không đủ sữa, bạn sẽ dễ nhận biết thông qua những dấu hiệu sau:
1. Thời gian bú quá ngắn hoặc quá dài
Trung bình một cữ bú sẽ kéo dài khoảng 10–20 phút. Nếu cữ bú quá ngắn (dưới 5 phút) hoặc quá dài (hơn 1 giờ), đó có thể là dấu hiệu bé bú không đủ sữa.
Trong quá trình cho bé bú, bạn hãy lắng nghe xem bé có phát ra tiếng mút đều đặn hay không. Nếu không, rất có thể, bé đang gặp vấn đề với việc ngậm bắt vú mẹ hoặc lượng sữa tiết ra quá ít khiến bé khó mút.
2. Bé không tăng cân là dấu hiệu bé bú không đủ sữa
Một vài ngày đầu sau sinh, cân nặng của bé có thể giảm từ 5 – 7%, thậm chí một số bé có thể giảm đến 10%. Tuy nhiên, khoảng 10 đến 14 ngày tuổi, cân nặng của bé sẽ trở về như lúc mới sinh và bắt đầu tăng khoảng 20–30g mỗi ngày.
– 0–6 tháng: Bé tăng 140 –200g mỗi tuần
– 6–12 tháng: Bé tăng 85–140g mỗi tuần
Bé có thể sút cân do bị ốm nhưng nếu sút cân quá nhiều hoặc tăng cân quá chậm, đó có thể là do bé bú không đủ.
3. Số tã ướt, tã bẩn ít
Việc đếm số lượng tã ướt, tã bẩn mỗi ngày là một trong những cách giúp mẹ có thể xác định bé có bú đủ sữa mẹ hay không. Trong tuần đầu tiên sau sinh, số lượng tã ướt, tã bẩn sẽ thay đổi mỗi ngày. Trong những ngày đầu, bé không bú nhiều nên số lượng tã ướt sẽ ít:
– 1–2 ngày đầu tiên: 1–2 chiếc tã ướt
– 3–5 ngày: 3–5 chiếc tã ướt
– Sau ngày thứ 6: 6–8 chiếc tã ướt nhưng cũng có thể nhiều hơn
Nếu số lượng tã ướt ít hơn thì rất có thể bé đang bú không đủ sữa.
4. Lượng sữa tiết ra không tăng lên
Trong những ngày đầu sau sinh, ngực sẽ tiết ra một lượng nhỏ sữa non màu vàng đục. Đây là sữa chứa rất nhiều dưỡng chất và kháng thể tốt cho sức khỏe của bé.
Sau khoảng 3–4 ngày sau sinh, lượng sữa mẹ sẽ về nhiều hơn và có màu trắng đục. Tuy nhiên, nếu lượng sữa mẹ không tăng lên sau nhiều ngày thì đây có thể là nguyên nhân khiến bé bú không đủ sữa mẹ.
5. Màu sắc nước tiểu của bé: Dấu hiệu bé bú không đủ sữa
Nếu nước tiểu của bé có màu vàng đặc, nặng mùi thì có thể là dấu hiệu bé bú không đủ sữa, dẫn đến mất nước. Ngoài dấu hiệu này, bé còn có thể bị khô miệng, vàng da hoặc mắt.
Bên cạnh nguyên nhân bú không đủ sữa mẹ dẫn đến mất nước, bé còn có thể bị mất nước do sốt, tiêu chảy, nôn mửa hoặc bị ủ quá kỹ dẫn đến đổ mồ hôi hay nhiệt độ môi trường quá nóng. Nếu thấy bé có những triệu chứng trên, mẹ cần đưa bé đi khám ngay.
6. Không có cảm giác khi con ti
Một trong những dấu hiệu bé bú không đủ sữa dễ thấy nhất là mẹ không có cảm giác khi con ti. Bình thường, ở những ngày đầu mới cho con bú, khi bé ti, bạn sẽ có cảm giác như châm kim ở đầu ti do bé mút, day và cắn nhẹ. Nếu không có cảm giác này, bạn nên quan sát xem bé có bú đúng hay không.
Ngoài ra, nếu núm vú bị đau nhức thì mẹ cũng cần lưu ý. Nguyên nhân gây đau nhức núm vú có thể là do bé ngậm bắt núm vú hoặc tư thế cho bú không đúng, điều này có thể khiến bé bú không đủ sữa mẹ. Nếu rơi vào tình huống này, bạn nên điều chỉnh tư thế cho bé bú để bạn ít bị đau và bé bú được nhiều hơn.
7. Các dấu hiệu khác cho thấy bé bú không đủ sữa
– Bé thường xuyên mệt mỏi, cáu gắt, quấy khóc do bú không đủ khiến con không có đủ năng lượng. Bé có thể ngủ hơn 4 tiếng mỗi giấc.
– Mỗi khi bú, bé sẽ có một số dấu hiệu như bé quay đầu từ bên này sang bên kia, há miệng, chóp chép miệng hoặc mút ngón tay…
Nếu thấy dấu hiệu bé bú không đủ sữa: Mẹ cần làm gì?
Dưới đây là một số biện pháp mà bạn có thể thử tăng lượng sữa bé bú mỗi ngày:
– Cho bé bú theo nhu cầu, không cần tuần theo một lịch trình quá cứng nhắc.
– Hạn chế cho bé sử dụng ti giả vì bé sẽ dễ bị quen và không muốn bú mẹ.
– Nếu bé ngủ quá nhiều, hãy đánh thức bé dậy và cho bé bú thường xuyên – khoảng 2 giờ một lần vào ban ngày và mỗi 3 – 4 giờ vào ban đêm cho đến khi bé tăng cân trở lại.
– Ghi chú lại thời gian cho bé bú, bé thích bú bên nào và bú mấy lần trong ngày. Nếu cân nặng không tăng, bạn có thể đưa bé đi khám và cung cấp cho bác sĩ những thông tin này để được hướng dẫn cụ thể.
– Cho bé bú đúng tư thế và chú ý quan sát bé, nếu không cảm nhận được bé đang ti, hãy điều chỉnh tư thế cho phù hợp.
– Nếu mẹ thiếu sữa hoăc sữa ít, mẹ có thể thử một số mẹo giúp tăng lượng sữa như cho bé bú nhiều hơn, ăn nhiều các thực phẩm lợi sữa (ngũ cốc lợi sữa), massage ngực, hút sữa bằng máy hoặc bằng tay…
– Cho bé bú đều ở cả 2 bên luân phiên giữa các cữ bú để tránh tình trạng sữa đọng lại và gây tắc tuyến sữa
– Thường xuyên theo dõi các dấu hiệu như cân nặng, số lượng tã ướt, màu sắc nước tiểu… để xem lượng sữa mà bé bú có gia tăng hay không.
#BabyTalk #Trẻsơsinh #Sứckhoẻ
Nguồn tham khảo: hellobacsi.com
—
BABY TALK
VPGD: Biệt thự NB1 – Hapulico Complex, 06 Lê Văn Thiêm, Quận Thanh Xuân, Hà Nội
Hotline: 090 741 2222