TRUY TÌM NGUYÊN NHÂN KHIẾN BÉ KHÓC KHI BÚ MẸ

21

Sau khi sinh là giai đoạn khó khăn với các sản phụ vì cơ thể vẫn chưa hồi phục mà phải chăm con, cho con bú. Đặc biệt, bé khóc khi bú mẹ càng gây căng thẳng cho mẹ hơn. Lúc này, nếu biết rõ nguyên nhân, bạn có thể giải quyết dễ dàng hơn.
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ giúp cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé mà còn giúp thắt chặt mối quan hệ giữa mẹ và bé. Tuy nhiên, công việc này có thể trở thành ác mộng nếu bạn nhìn thấy bé khóc khi bú mẹ hoặc thậm chí bé không chịu bú mẹ. Hãy cùng Baby Talk đi tìm nguyên nhân vì sao bé khóc nhé.

⚡️Manh mối giúp bạn tìm ra nguyên nhân khiến bé khóc khi bú mẹ
Các manh mối sau có thể giúp bạn xác định nguyên nhân khiến bé khóc khi bú mẹ:

1. Bé nhà bạn được bao nhiêu tháng?
Bé khóc khi bú mẹ có thể là do bé đang bước vào giai đoạn tăng trưởng nhảy vọt. Trẻ sơ sinh thường trải qua những giai đoạn tăng trưởng khác nhau ở những khoảng thời gian khác nhau. Một số bé có thể bắt đầu sớm, trong vòng 7 – 10 ngày sau khi sinh, một số khác là 2 – 3 tuần, 4 – 6 tuần, 3 tháng, 4 tháng hoặc 6 tháng tuổi…

2. Bé có bị phân tâm bởi những điều mới lạ không?
Trẻ nhỏ thường phát triển rất nhanh và điều này có thể dẫn đến nhiều thay đổi về mặt hành vi. Bé có thể bị phân tâm bởi các kỹ năng mới có liên quan đến thói quen bú mẹ.

3. Khi nào bé khóc?
Để biết chính xác nguyên nhân khiến bé khóc khi bú mẹ, bạn cần phải chú ý đến những lần cho bé bú và thời gian cho bé bú.
• Nếu bé hay quấy khóc khi bú, điều này có thể là do sữa chảy ra quá chậm hoặc quá nhiều. Bé khóc sau khi bú có thể là do bé bị đầy hơi và muốn ợ hơi.
• Nếu bạn để ý thấy bé khóc nhiều vào buổi sáng, điều này có thể là do sữa chảy quá nhiều khiến bé không thể bú hết được. Nếu bé khóc khi bú đêm, đó có thể là do chế độ ăn của mẹ hoặc do thức ăn mà mẹ ăn ban ngày. Bạn có thể hạn chế dùng các loại thực phẩm mà bạn nghi ngờ khiến bé khó chịu, chẳng hạn như thực phẩm chứa caffeine (chocolate, trà, cà phê), món ăn chứa nhiều gia vị, tỏi, hành tây…

4. Bé khóc khi bú một bên ngực nào đó hay cả hai bên ngực?
Nếu bé khóc khi được cho bú một bên ngực nào đó thì có thể là do bên ngực đó sữa chảy quá nhiều hoặc quá ít.

5. Bé có đang gặp phải các vấn đề nào khác không?
Ngoài những vấn đề nêu trên, còn có rất nhiều nguyên nhân khác có thể khiến bé khó chịu khi bú mẹ. Đó có thể là do bé bị bệnh, bé mọc răng…
Bé khóc có thể do một vấn đề hoặc nhiều vấn đề kết hợp với nhau. Bé vẫn chưa thể nói được. Vì vậy, việc quan sát các triệu chứng để xác định nguyên nhân khiến bé khóc khi bú mẹ là một điều rất quan trọng.

⚡️Tại sao bé khóc khi bú mẹ?
Dưới đây là một số nguyên nhân cụ thể giúp bạn dễ dàng xác định nguyên nhân khiến bé khóc khi bú mẹ:
1. Sữa tiết ra quá nhanh hoặc quá chậm
Đây là lý do phổ biến nhất khiến bé cảm thấy khó chịu khi bú mẹ. Sữa tiết ra quá nhanh hoặc quá chậm đều có thể kích thích và khiến bé khóc. Nếu bạn thấy bé ho hoặc sặc khi bú, đây có thể là dấu hiệu cho thấy sữa tiết ra quá nhanh. Mặt khác, nếu bé nhả ti mẹ, cong lưng và tựa vào ngực, điều này có nghĩa là sữa tiết ra quá chậm.

2. Bé muốn ợ hơi
Bé khóc khi bú mẹ có thể là do bé muốn ợ hoặc xì hơi. Khi chuyển bé từ vú này sang vú khác, bạn có thể đặt bé lên vai và xoa lưng nhẹ nhàng cho bé. Những bé từ bốn tháng tuổi trở lên có thể tự mình ợ hơi.

3. Bé bị phân tâm
Trẻ sơ sinh từ ba tháng tuổi trở lên thường rất chú ý đến môi trường xung quanh và dễ bị phân tâm. Nếu khi bú, nghe thấy tiếng ồn lớn từ phòng khác, bé có thể trở nên tò mò. Việc bạn cố gắng cho bé bú tiếp có thể khiến bé khó chịu.

4. Bé đang mọc răng
Một số bé thường quấy khóc nhiều hơn khi bú trong giai đoạn mọc răng. Nguyên nhân là do trong thời gian này, nướu răng của bé bị đau và hành động mút vú mẹ có thể khiến bé khó chịu.

5. Bé bị căng thẳng
Bé rất nhạy cảm và có thể cảm nhận được khi thấy mẹ hoặc người chăm sóc đang căng thẳng. Điều này có thể ảnh hưởng đến bé, khiến bé khóc khi bú.

6. Bé học được điều mới
Trẻ sơ sinh phát triển liên tục và đôi khi những thay đổi về thể chất hoặc tình cảm có thể khiến bé khó chịu. Hoạt động não bộ tăng lên có thể cản trở thói quen bú của bé.

7. Bé không muốn bú
Đôi khi bạn sẽ thấy bé nhả ti mẹ ngay khi bạn bắt đầu cho bé bú hoặc bé không chịu bú. Điều này có thể là do bé không thấy đói và không muốn bú mẹ. Nếu rơi vào tình huống này, bạn nên dỗ bé nín và không nên ép bé bú.

8. Bé bị nấm miệng
Nấm miệng có thể là nguyên nhân khiến bé khóc khi bú mẹ. Những đốm trắng trên lưỡi hoặc bên trong miệng của bé có thể là cặn sữa nhưng cũng có thể là do nấm miệng. Tình trạng này có thể gây đau đớn và khiến bé khó chịu khi bú. Nếu bạn thấy bé có triệu chứng trên, bạn nên đưa bé đến bác sĩ khám ngay nhé.

9. Bé thích bú bên ngực này hơn bên ngực còn lại
Đôi khi bé chỉ thích bú ở một bên ngực nào đó. Do đó, khi cho bé bú ở bên ngực khác, bé có thể khó chịu. Nếu rơi vào tình huống này, bạn nên đưa con đến gặp bác sĩ để xác định rõ nguyên nhân. Đôi khi điều này có thể do bé gặp một số vấn đề về sức khỏe như nhiễm trùng một bên tai hoặc đau. Nếu nghiêng về phía tai đau, bé sẽ tỏ ra khó chịu.

10. Bé bị tật cứng lưỡi
Tật cứng lưỡi là tình trạng đoạn màng nối bên dưới lưỡi bị ngắn hoặc kéo quá dài về phía cuối lưỡi của bé, khiến lưỡi gần như dính chặt dưới sàn miệng. Điều này khiến bé gặp khó khăn khi bú mẹ.

11. Bé bị nghẹt mũi
Nếu bé bị cảm lạnh hoặc cúm, mũi của bé có thể bị nghẹt, gây khó chịu cho việc thở khi bú và bé có thể phải ngừng bú một lúc để thở. Điều này sẽ khiến bé rất khó chịu. Đôi khi, tư thế cho bú không đúng cũng có thể khiến bé khó thở. Nói chuyện với bác sĩ để biết tư thế khi cho bé bú nhé.

12. Bé bị trào ngược dạ dày – thực quản
Bình thường, khi trẻ bú, sữa đi qua miệng, xuống thực quản rồi vào dạ dày. Tại đây, sữa được hấp thu một phần, sau đó di chuyển xuống ruột. Trào ngược dạ dày -– thực quản là tình trạng sữa sẽ từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Nguyên nhân khiến trẻ bị trào ngược dạ dày – thực quản là do thức ăn của bé chủ yếu ở thể lỏng, trẻ lại hay nằm nhiều và thực quản trẻ cũng ngắn hơn so với người lớn.

13. Bé nhạy cảm với thực phẩm
Nếu bé bú mẹ hoàn toàn, bé sẽ rất ít khi bị nhạy cảm với thực phẩm. Tuy nhiên, nếu bạn cho bé ăn các loại thực phẩm khác, bé sẽ có nguy cơ bị dị ứng với một số triệu chứng thường gặp như đầy hơi, đau bụng hoặc khó chịu. Bạn có thể nói chuyện với bác sĩ về dị ứng thực phẩm và tìm hiểu những ảnh hưởng của nó đối với việc bú mẹ.

Bạn có thể làm gì để giúp bé nín khóc khi bú mẹ?
Dưới đây là một số điều mà bạn có thể làm để dỗ bé:
1. Đưa bé ra ngoài đi dạo: Bạn có thể đưa bé đi dạo trong công viên hoặc trong vườn. Mối quan hệ giữa mẹ và bé sẽ được thắt chặt nếu bạn dành nhiều thời gian cho bé hơn. Bạn cũng có thể thử cho bé bú sau khi đưa bé đi chơi.

2. Cho bé bú khi bé đang buồn ngủ: Bạn có thể cho bé bú khi bé đang buồn ngủ, chẳng hạn như trước khi đi ngủ hoặc giữa thời gian ngủ trưa. Một số bé rất ngoan khi buồn ngủ và dễ dàng quên đi những điều đang khiến bé cảm thấy lo lắng.

3. Nhờ ai đó dỗ bé: Nếu bạn thấy căng thẳng, khó chịu, bé sẽ dễ dàng cảm nhận được điều này. Lúc này, bạn có thể nhờ một thành viên khác trong gia đình dỗ bé. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải chắc chắn rằng bé cảm thấy quen thuộc và thoải mái với người đó nhé.

4. Đừng dùng sữa công thức: Nếu bé không chịu bú mẹ, bạn có thể vắt sữa và cho vào bình bú. Hạn chế cho bé dùng sữa công thức trước khi bé 6 tháng tuổi nếu bạn có đủ sữa mẹ cho bé.

5. Đừng ép bé: Khi bé đã no, bạn không nên ép bé bú tiếp vì có thể khiến bé quấy khóc, không hợp tác. Tốt nhất, bạn nên cho bé ăn ngủ, sinh hoạt khoa học. Nếu bé bú quen theo thời gian biểu, bạn sẽ biết thời gian nào bé cần bú và cho bú.

6. Cho bé bú trong phòng có ánh sáng nhẹ: Trẻ sơ sinh rất dễ bị phân tâm bởi môi trường xung quanh, đặc biệt là những bé từ 4 tháng tuổi trở lên. Có thể bé đang thích chơi một đồ chơi nào đó, đang bận quan sát gì đó. Để hạn chế điều này, bạn có thể cho bé bú trong một căn phòng yên tĩnh và có ánh sáng nhẹ.

7. Đổi bên ngực khác khi cho bé bú: Nếu bé khóc khi bú bên ngực này, bạn có thể thử cho bé bú bên còn lại.

8. Thay đổi tư thế cho bé: Đôi khi bé khóc có thể là do bé cảm thấy khó chịu khi bú ở một tư thế nào đó. Bạn có thể thử thay đổi những tư thế cho bú khác để bé cảm thấy thoải mái hơn nhé.

9. Xoa bóp ngực: Sữa mẹ chảy ra quá nhiều khiến bé không kịp nuốt, gây ngạt. Ngược lại, nếu sữa chảy quá ít, trẻ không mút ra được, bé sẽ quấy khóc khi bú. Vì vậy, bạn nên xoa bóp vú trước khi cho trẻ bú và dùng tay bóp nhẹ để giữ dòng sữa ổn định. Khi sữa mẹ ra nhiều, dùng ngón tay ấn vào quầng vú để hạn chế tiết sữa. Khi lượng sữa đã ổn định, bạn có thể bỏ ngón tay ra để bé mút sữa bình thường.

10. Vỗ lưng cho bé ợ hơi: Một trong những cách cho trẻ sơ sinh ợ hơi là vỗ nhẹ vào lưng bé. Bé được ợ hơi đúng cách sau khi bú sẽ cảm thấy thoải mái hơn.

11. Cố gắng dỗ bé nín: Bạn có thể dỗ bé nín bằng cách hát hoặc cho bé nghe một bài hát mà bé thích.

12. Tiếp xúc da kề da: Làm cho thời gian bú mẹ thoải mái là yếu tố quan trọng giúp bé bú tốt hơn. Sự tiếp xúc da kề da giữa mẹ và bé là cách xoa dịu cảm giác khó chịu của con khi bú mẹ. Khi bé quấy khóc, hãy dùng tay vuốt má, ôm ấp, vỗ về để dỗ dành bé.

13. Phòng ngừa tình trạng bé quấy khóc: Nếu bạn thấy bé luôn khó chịu ở cùng một thời điểm mỗi ngày, bạn có thể thực hiện một vài phương pháp để bé cảm thấy thoải mái và thư giãn.

14. Bình tĩnh: Việc bé quấy khóc khi bú có thể làm bạn khó chịu và mệt mỏi. Hãy nhớ điều quan trọng nhất mà bạn cần làm lúc này là giữ bình tĩnh và hít thở sâu.

Việc bé khóc khi bú mẹ có thể khiến bạn mệt mỏi và căng thẳng. Tuy nhiên, đừng vì vậy mà bạn mất bình tĩnh hoặc bỏ cuộc nhé. Hãy cố gắng xác định nguyên nhân và tìm ra cách giải quyết tốt nhất cho cả bạn và bé.

#BabyTalk #Trẻsơsinh #Sứckhoẻ
Nguồn tham khảo: hellobacsi.com

BABY TALK
VPGD: Biệt thự NB1 – Hapulico Complex, 06 Lê Văn Thiêm, Quận Thanh Xuân, Hà Nội
Website: http://babytalk.vn/
Hotline: 090 741 2222

21

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *